Nhỏ mà tham, cứ tưởng lặn ngụp chỗ nước sâu là lắm tép tôm, đâu biết rằng dậm chỉ đánh ven ao, mương cạn. Ngây ngô dại dột, ngâm mình dưới ao chỉ thòi mỗi cái đầu để thở. Ngoi lên miệng ao nước kéo tụt cả quần.
Một thằng bé tỏng teo kéo quần đùi chưa nổi, vẫn hùng hục vác dậm cao gấp đôi đầu người sục miệt mài dưới cái nóng như đun sôi nước đồng. Mẹ mắng. Nhưng vẫn ham. Hết học, quăng chiếc cặp là kéo… quần đùi, vác dậm chạy ra đồng. Mệt. Giản đơn thôi, vặt mấy tàu lá chuối phủ lên dậm, chui vào nằm thỏm trong đó và đánh một giấc.
Nhà không có trâu bò để nuôi. Đánh dậm xong, lại quẩy đôi sọt đi gắp phân trâu. Gặp phân khô thì gắp. Nhẹ nhàng, giản đơn. Nhưng đụng bãi phân tươi còn ướt thì phải xúc. Một cây xúc đan toe miệng kiểu như cái xẻng. Thằng bé con thành thạo chỉ một tay lùa roèn roẹt miệng cây xúc gọn gàng liếm đỡ từng bãi phân trâu thả vào sọt.
Cũng không phải mình nó. Cả làng dễ có đến gần chục đứa trẻ con kẽo kẹt gánh sọt đi gắp phân trâu như nó. Nhiều nhất là mỗi kỳ nghỉ hè, không đứa nào phải đi học. Vì thế có hôm phải đến chiều tối mới kiếm đầy hai sọt phân. Hai cái sọt tre kẽo kẹt phân trâu là thước đo cho độ cần mẫn và… tài năng của lũ trẻ. So với đám trong làng, nó hãnh diện vì hôm nào hai sọt tre cũng đầy ắp phân trâu.
Riêng khoản đánh đáo và bắn bi là dở, cực dở. Có hôm mất nửa sọt phân trâu cho lũ bạn vì trò đánh đáo. Còn trò bắn bi. Mấy cái viên bi đất nung sơn xanh đỏ tím vàng ấy có chi mà hút kỳ lạ. Bỏ ăn để bắn bi, thua sạch bèn chạy về lấy trộm hơn chục cái huân chương của ba ra đổi. Hồi ấy, ba đang là chuyên gia bộ đội Pa-Thét Lào. Huân huy chương nhiều nhất làng. Ba cất chúng trong một cái hộp gỗ bọc lớp vải nhung màu đỏ trong tủ thờ. Cạy tủ lấy trộm hơn mười cái, treo lủng lẳng trong lưng quần. Chạy ra ngõ, vén áo lên khoe. Cả lũ trẻ tròn xoe mắt thích thú đến ghen tị khi thấy lủng lẳng trong lưng quần nó hơn chục tấm huân chương đỏ chói. Mỗi tấm huân chương mười viên bi. Đổi một loáng hết sạch. Rồi lại lao vào bắn. Chừng hai buổi trưa lại thua sạch không còn viên nào.
Mấy hôm sau, một trận sưng đít, bầm tím lằn roi khi ba phát hiện. Cũng may, gom lại đủ khi lũ trẻ chưa vứt mất cái nào.
Có lẽ, đó là trận đòn đau nhất và... đáng nhớ nhất. Và có lẽ cũng từ đó, nhận ra sự thua kém của mình so với chúng bạn trong những trò đánh đáo bắn bi. Không bỏ được, nhưng ít đánh hơn, và lại miệt mài quảy đôi sọt tre, vác dậm ra đồng…
Ngày đó làng chưa về Hà Nội. Nó vẫn của Vĩnh Phú. Sau ngày thống nhất đất nước, cái sân bay Đa Phúc được lấy về để làm thành sân bay quốc tế mang tên Nội Bài. Làng nhập vào Hà Nội. Nét mặt ai cũng hớn hở. Mừng vui vì bỗng nhiên thằng bé đánh dậm gánh sọt gắp phân trâu như tôi bỗng chốc thành dân Thủ đô.
34 năm rồi, kể từ ngày làng "vào" Hà Nội, giờ về lại quê vẫn không khó để tìm… hình ảnh tôi. Dừng xe, vẫy tay gọi cậu bé vác dậm bên đồng. Vói tay cầm dậm múc oàm oạp vỡ văng mặt nước mà như thấy lại tuổi thơ mình.
Không phải làng quê không đổi thay. Nhà tầng đấy, đường nhựa đấy, ô tô đấy. Nhưng hình ảnh tuổi thơ tôi vẫn còn đấy. Vẫn những thằng bé con vác dậm. Chỉ không còn nữa những đôi sọt tre gắp phân trâu đen nhẻm, nhèm nhẹp.
Nhiều lúc cứ tự hỏi sao quê mình chậm giàu thế? Ngày đó, cú tưởng về Thủ đô sẽ tức khắc… đổi đời. Cái quãng thời 34 năm kia đủ để nhiều quốc gia quanh ta thành hổ hóa rồng.
Hôm trước, khi thấy trên ti vi khuôn mặt hớn hở của những lão nông vùng quê Hà Tây được nhập về thành công dân Hà Nội, lại giật mình nhớ tuổi thơ tôi. Nhớ quãng thời vác dậm gánh sọt gắp phân trâu và toét toe hí hửng khi nghe tin làng mình về… Hà Nội.
Càng có tuổi, chưa già nhưng đã hay giật mình trước những kí ức tuổi thơ. Lại thèm vác dậm, thèm cởi truồng lao tõm vào con sông tuổi thơ tôi- một làng ven Hà Nội.